Kết quả Thế chiến thứ nhất tại Balkan Mặt trận Balkan (Thế chiến thứ nhất)

Áo-Hung

Trong bối cảnh quân đồng minh tấn công ở Balkan và quân Ý bắt đầu tấn công trên mặt trận Ý, nhà cầm quyền Áo-Hung hiểu rằng việc tiếp tục chiến tranh là vô ích. Ngày 2 tháng 10, Hội đồng hoàng gia Áo-Hung quyết định thông qua Mười bốn Điểm của Woodrow Wilson nhằm cải cách chính phủ và trao quyền tự trị cho Nam Slav. Nhưng với lợi thế đang có, các nước Entente từ chối đàm phán và yêu cầu Áo-Hung rút quân ngay lập tức khỏi tất cả các vùng lãnh thổ đang chiếm đóng.[92]

Áo-Hung bắt đầu tan rã cùng với làn sóng cách mạng trong đế quốc. Các đảng phái chính trị Nam Slav vốn trước đây chỉ đòi tự trị dưới quyền Đế chế Habsburg, nay bắt đầu đưa ra những yêu cầu cao hơn hơn. Các ủy ban và hội đồng nhân dân được thành lập tại các vùng lãnh thổ Slav. Ngày 5 tháng 10, Hội đồng quốc gia của người Slovenia, người Croatia và người Serb được thành lập tại Zagreb. Ngày 16 tháng 10, hoàng đế Áo-Hung Karl I ban hành sắc lệnh liên bang hóa Cisleitania.[93] Việc này không thể cứu vãn đế chế khỏi sụp đổ. Ngày 29 tháng 10, Hội đồng nhân dân Zagreb tuyên bố thành lập Nhà nước của người Sloven, người Croatia và người Serb.[94] Ngày 27 tháng 10, Áo-Hung đề nghị Entente về hòa ước riêng rẽ. Ngày 29 tháng 10, Áo đồng ý ký hòa ước với bất kỳ điều kiện nào. Những sự kiện này là nhát búa cuối cùng làm sụp đổ Liên minh Trung tâm. Ngày 3 tháng 11 năm 1918, Áo-Hung đầu hàng.[95]

Albania

Năm 1914 khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, Albania tuyên bố trung lập nhưng Hy Lạp đã tiến quân vào nước này. Đầu năm 1915, quân đội Serbia và Montenegro tiến vào lãnh thổ Albania. Sau khi Mặt trận Thessaloniki hình thành, quân Ý đổ bộ vào Albania. Bulgaria tiến vào miền đông Albania. Mùa thu năm 1916, quân Pháp và Ý đánh đuổi các đơn vị Hy Lạp ủng hộ Konstantinos khỏi miền nam Albania. Sau đó, hình thành chiến tuyến Vlorë-Berat-Pogradec giữa Ý và Áo-Hung (tiến vào Albania sau khi chiếm Montenegro).[96] Tháng 4 năm 1915, các nước Entente và Ý ký hiệp ước bí mật chấm dứt nền độc lập và phân chia Albania sau chiến tranh. Theo đó, Ý bảo hộ miền trung, Serbia và Montenegro lấy miền bắc, Hy Lạp chiếm miền nam. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhân dân Albania chiến đấu chống lại ngoại quốc chiếm đóng. Năm 1920, Albania khôi phục nền độc lập. Năm 1922, Ý và Nam Tư buộc phải rút quân khỏi lãnh thổ Albania.[94][97]

Bulgaria

Cuộc tấn công của quân đồng minh vào mùa thu năm 1918 trên mặt trận Thessaloniki mang lại kết quả rất quan trọng về chiến lược và chính trị, khiến cho Bulgaria rút khỏi chiến tranh và góp phần lớn vào việc Thổ Nhĩ Kỳ đầu hàng sau đó. Vua Bulgaria trốn ra nước ngoài. Sau khi ký hiệp định đình chiến với các nước Entente, Bulgaria là nước đầu tiên thuộc Liên minh Trung tâm rút khỏi chiến tranh.[98]

Ngày 27 tháng 11 năm 1919, Hòa ước Neuilly được ký kết giữa Entente và Bulgaria. Theo đó, Bulgaria mất khoảng 11.000 km2 lãnh thổ. Bốn huyện biên giới cùng các thành phố Tsaribrod, Strumica và những quận khác bị cắt cho Nam Tư, Nam Dobrudja trở về với România. Tây Thracia chuyển cho Hy Lạp khiến Bulgaria mất quyền tiếp cận biển Aegea.[99] Quy mô của quân đội Bulgaria không được vượt quá 20.000 lính. Hạm đội giảm xuống còn mười tàu. Trong 37 năm, Bulgaria phải trả 2,25 tỷ franc vàng cho đồng minh. Ngoài ra, dưới hình thức bồi thường thiệt hại, Bulgaria còn phải trả khối lượng lớn vật chất, lương thực cho Hy Lạp và Nam Tư.[100]

Sau thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, những tư tưởng phục thù nảy sinh tại Bulgaria, dẫn quốc gia này đứng về Phe Trục trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Hy Lạp

Mở rộng lãnh thổ Hy Lạp sau năm 1832

Hy Lạp tham chiến năm 1917. Về phe chiến thắng, Hy Lạp nhận được những lợi ích đáng kể về lãnh thổ. Lãnh thổ Hy Lạp bị ảnh hưởng bởi các trận chiến. Trên thực tế, dù đã tuyên bố trung lập nhưng từ năm 1916, chính phủ Hy Lạp cho phép quân Bulgaria đóng quân tại một số vùng. Lo ngại tình cảm thân Đức, Entente thực hiện một loạt hành động đưa Hy Lạp tham chiến theo phe mình. Sau đó, Hy Lạp tuyên chiến với các cường quốc Liên minh Trung tâm.

Chính phủ Hy Lạp hy vọng sẽ mở rộng đáng kể lãnh thổ sau chiến tranh. Ngày 19 tháng 9 năm 1918, đại sứ Hy Lạp tại Vương quốc Anh thông báo rằng Hy Lạp mong muốn sáp nhập Macedonia, Bắc Epirus, DodekanisaĐông Thracia sau chiến tranh. Ngoài ra, Hy Lạp tuyên bố chủ quyền một số lãnh thổ của Đế quốc Ottoman. Theo kế hoạch, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bại trận, lãnh thổ Đế quốc Ottoman ở Tiểu Á, nơi phần lớn dân số là người Hy Lạp sẽ sáp nhập vào Hy Lạp.[76]

Tuy nhiên, các nước Entente không hào hứng trước những sáng kiến như vậy. Pháp phản đối ý tưởng của Hy Lạp mà cho rằng việc phân chia Đế quốc Ottoman nên được các cường quốc họp lại. Ý là nước có quan hệ căng thẳng với Hy Lạp vì vấn đề Dodekanisa và Albania, cũng ủng hộ Pháp và bằng mọi cách phản đối việc chuyển giao bất cứ vùng đất Albania nào cho Hy Lạp. Ngày 8 tháng 10 năm 1918, Thủ tướng Venizelos đảm bảo với Đồng minh rằng Hy Lạp sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến chống lại Đế quốc Ottoman đến khi thắng lợi. Nhờ vậy, quân đội Hy Lạp có thể tiến đến Istanbul và Hy Lạp cũng có thể tuyên bố chủ quyền với Constantinopolis. Tuy nhiên, ngày 30 tháng 10 năm 1918, Thổ Nhĩ Kỳ ký hiệp định đình chiến với các nước Entente và rút khỏi chiến tranh. Năm 1919, quân Hy Lạp được Entente ủy nhiệm đã chiếm đóng İzmir. Năm 1920, Tây và Đông Thracia thuộc về Hy Lạp.[76][101]

România

România sau Hòa ước Bucharest 1918

Sau khi Nga rút khỏi chiến tranh, chính phủ România ký hòa ước với phe Liên minh và chịu những điều khoản bất lợi vào ngày 7 tháng 5 tại Bucharest.[102] România bị mất các vùng biên giới chiến lược quan trọng về mặt chiến lược, phải cung cấp gỗdầu mỏ cho phía bên kia. Nam Dobrudja mất vào tay Bulgaria. Bắc Dobrudja vốn là vùng tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria thì đặt dưới chính quyền chung các nước Liên minh. Ngoài ra, România phải để cho quân Liên minh đi qua lãnh thổ mình.[102]

Sau khi mặt trận của quân Bulgaria tan vỡ, ngày 10 tháng 11 năm 1918, România tuyên bố quay lại tham chiến bên phe Hiệp ước. Điều này mang lại lợi ích đáng kể cho România sau chiến tranh, lấy được Transylvania, Bukovina, Banat và thu hồi Nam Dobrudja.

Serbia

Sự hình thành Vương quốc của người Serb, người Croatia và người Slovenia

Trở lại năm 1917, tại Corfu, các đại diện của Serbia và Ủy ban Nam Tư tuyên bố thống nhất Serbia, Montenegro và các vùng đất Nam Slav thuộc Áo-Hunga thành một quốc gia độc lập - Nam Tư, dựa trên sự bình đẳng của ba dân tộc là người Serb, người Croatiangười Slovenia. Vương quốc mới do nhà Karađođević lãnh đạo.[103]

Tháng 10 năm 1918, sau khi chọc thủng quân Bulgaria, quân Serbia giải phóng hoàn toàn lãnh thổ. Đồng thời tại Zagreb tuyên bố thành lập Nhà nước của người Serb, người Croatia và người Slovenia. Ngày 24 tháng 11 năm 1918, chính quyền Srem tuyên báo gia nhập Serbia. Ngày hôm sau, Banat, Bachki và Baranja cũng đưa ra quyết định tương tự. Các lãnh thổ này cùng với Vojvodina thuộc về Serbia. Ngày 26 tháng 11 năm 1918, Montenegro cũng tuyên bố sáp nhập vào Vương quốc Serbia.

Ngày 1 tháng 12 năm 1918, Beograd tuyên bố hợp nhất Vương quốc Serbia và Nhà nước của người Serb, người Croatia và người Slovenia thành một Vương quốc duy nhất của người Serb, người Croatia và người Slovenia.[104] "Chủ nghĩa Nam Tư" trở thành cơ sở của quốc gia mới. Trong đất nước chung, người Serb, người Croatia và người Slovenia tập hợp thành dân tộc Nam Tư duy nhất. Khái niệm sắc dân này không đại diện cho các dân tộc khác như người Bosnia, người Macedonia và người Montenegro. Ngoài ra, các dân tộc không thuộc tộc Slav như người Albania ở Kosovo, người Đứcngười Hungary ở Vojvodina lại ở vị thế thiểu số không mong muốn.[104] Macedonia thực thi chính sách Serb hóa, ngôn ngữ của người Macedonia chính thức bị xếp là phương ngữ của tiếng Serbia-Croatia và bị cấm dùng trong nhà nước và giáo dục.[105] . Đồng thời khuyến khích người Serb đến định cư MacedoniaKosovo.[lower-alpha 24]

Khi Vương quốc của người Serb, người Croatia và người Slovenia ra đời, lợi ích của dân Croatia bị xâm phạm đáng kể. Đảng chính trị chính của Croatia, Đảng Nông dân Croatia, ủng hộ cấu trúc Nam Tư như một nước cộng hòa liên bang, trong khi chính phủ Serbia xác định chế độ quân chủ đơn nhất.[106] Croatia bị mất thể chế lâu đời hàng thế kỷ cũng như truyền thống nhà nước riêng. Năm 1919, các chính trị gia Croatia thành lập "Đại hội hòa giải" ở Paris, ủng hộ quyền tự quyết và thu thập được chữ ký của 157.000 người Croatia.[107] "Câu hỏi Croatia" đã trở thành vấn đề sắc tộc gay gắt nhất ở Nam Tư.

Vai trò lãnh đạo trong vương quốc mới thành lập đều rơi vào tay Serbia. Năm 1929, vương quốc (KSHS) chính thức đổi tên thành Vương quốc Nam Tư.

Montenegro

Năm 1916, Montenegro rút khỏi chiến tranh khi quân đội Áo-Hung chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ. Tháng 1 năm 1916, Áo chiếm được thủ đô Cetinje, Montenegro đàm phán về việc quân đội đầu hàng. Lúc ấy quân Montenegro bị quân Áo-Hung bao vây và đẩy ra biển, buộc phía Montenegro phải chấp nhận mọi điều kiện. Ngày 19 tháng 1, vua Nikola I chấm dứt đàm phán, ký sắc lệnh giải tán quân đội Montenegro rồi chạy sang Ý. Khoảng 3.000 tàn quân Montenegro bị quân Áo-Hung bắt làm tù binh.[108]

Theo tuyên bố Corfu, Montenegro sẽ trở thành một phần của Vương quốc Nam Tư. Ngày 26 tháng 11 năm 1918, sau khi quân Serbia giải phóng khỏi tay quân Áo-Hung, Montenegro chính thức trở thành một phần của Serbia. Hội đồng Podgorica và những người ủng hộ liên minh với Serbia đề cao ý tưởng thống nhất hai vương quốc và đồng ý để quân đội Serbia tiến vào lãnh thổ Montenegro. Tuy nhiên, những người ủng hộ vua Nikola I bị phế truất đã tiếp tục vũ trang kháng chiến tìm cách khôi phục nền độc lập cho Montenegro cho đến năm năm 1929.[109]

Tàn phá và thiệt hại

Serbia chịu tàn phá và thiệt hại lớn nhất tại Balkan. Đất nước hoang tàn, cơ sở hạ tầng đổ nát và kinh tế suy thoái. Các vùng lãnh thổ Montenegro, Hy Lạp, Bulgaria và Albania là nơi diễn ra mặt trận Thessaloniki cũng bị thiệt hại.

Hậu quả nghiêm trọng đầu tiên ở Serbia xuất hiện vào mùa thu năm 1914. Do gần như toàn bộ nam thanh niên đều phải nhập ngũ nên không còn mùa gieo hạt. Cả nước thiếu lương thực. Giá bánh mì tăng mạnh, nhất là ở thành thị. Tình hình tồi tệ hơn vì nhiều người phải chạy nạn khỏi vùng chiến sự. Kinh tế Serbia gần như bị phá hủy hoàn toàn, hơn một nửa hoạt động công nghiệp phải dừng lại. Montenegro cũng lâm vào tình thế khó khăn.[110]

Bulgaria hy vọng vào một chến dịch thắng Serbia nhanh chóng. Khi Mặt trận Thessaloniki được mở ra, gánh nặng đè lên kinh tế Bulgaria. Ban đầu, được Đức trợ giúp, tình hình vẫn tương đối ổn định. Cho đến năm 1918, Đức viện trợ hàng tháng cho Bulgaria với số tiền 50 triệu franc. Đổi lại, các công ty độc quyền Đức thâm nhập vào nền kinh tế . Một số mỏ đồngthan đá rơi vào tay người Đức. Ngoài ra, nguyên liệu thô từ Bulgaria xuất sang Đức được trả bằng đồng Mác mất giá. Nền kinh tế Bulgaria không thể chống chọi được với chiến tranh kéo dài. Năm 1918, tình thế tồi tệ hơn, dân chúng mòn mỏi vì chiến tranh tiêu hao quá dài và bắt đầu yêu cầu phải kết thúc. Hai vụ mất mùa năm 1917 và 1918 khiến phải cung cấp theo theo hệ thống chia khẩu phần ăn. Các lực lượng chính trị cánh tả tăng cường hoạt động: Liên minh Nông nghiệp và Đảng Cộng sản tích cực tuyên truyền phản chiến.[111] Sau chiến tranh, Bulgaria buộc phải bồi thường bằng một lượng lớn vật chất.

Trong những năm bị chiếm đóng, Albania xuất khẩu một lượng lớn nông sản và nguyên liệu công nghiệp. Lực lượng chiếm đóng của Áo, Ý và Pháp đã tự ý tiến hành các hoạt động tham dò và khai thác địa chất, khoan dầu. Chiến tranh phá hủy hàng trăm ngôi làng và các thành phố. Dù không chính thức tham chiến, Albania phải hứng chịu rất nhiều thiệt hại do quân chiếm đóng và chiến sự gây ra.[112]

Chiến sự tại mặt trận Balkan gây thiệt hại lớn cho tất cả các nước trong khu vực. Ví dụ, tổng thiệt hại của Serbia lên tới khoảng 6 tỷ franc Pháp.[113]

Tình cảnh dân chúng

Lính Áo bắn những người tham gia Nổi dậy Toplica

Serbia chịu tổn thất nặng nề nhất tại Balkan trong Thế chiến thứ nhất. Người dân Serbia và Montenegro bị thế lực ngoại xâm dày đạp ngay trên đất nước mình.[114]

Chiến sự tại Balkan, hàng trăm nghìn thường dân thiệt mạng hoặc chạy tị nạn hay mất nhà cửa. Những tội ác đầu tiên đối với thường dân được ghi nhận ngay khi Áo tấn công vào Serbia tháng 8 năm 1914. Quân Áo tiến hành cướp bóc và giết hại thường dân Serbia.[115]

Khi quân Áo-Đức bắt đầu tấn công vào mùa thu năm 1915, sự tàn ác năm 1914 vẫn còn ghi dấu, dân thường đã cùng chạy với quân đội Serbia. Đầu tiên, dân Beograd rời bỏ nhà cửa rồi tương tự các nơi khác. Bước đường di tản của quân đội lẫn với thường dân chạy nạn, ước tính tổng số lên tới 250.000 người. Điều kiện di tản đầy khó khăn. Nhiều người chết vì đói, sốt phát ban, cộng với máy bay ném bom và bắn xuống. Quân Áo-Đức ráo riết truy đuổi.[116]

Một nhà báo Đức chứng kiến và ghi lại:[117]

Máu của Hoàng thân Franz Ferdinand tử đạo sẽ bị dòng máu Serbia cuốn trôi. Chúng ta đang chứng kiến ​​một hành động quả báo lịch sử nghiệt ngã. Trong các mương rãnh, ven đường và ruộng hoang - đâu đâu cũng thấy những xác chết rải rác trên mặt đất trong quần áo nông dân hoặc binh lính. Có cả xác phụ nữ và trẻ em thê thảm. Họ bị giết hay chết vì đói và vì sốt phát ban? Những xác này có lẽ nằm ở đây đã lâu với những khuôn mặt bị thú hoang cắn nham nhở biến dạng, mắt bị quạ mổ đi mất.

150.000 người được đồng minh sơ tán đến đảo Corfu, nhưng chết chóc không dừng lại, để lại hơn 10.000 trẻ em mồ côi.

Năm 1917, quân Áo, Đức, Bulgaria và các đội vũ trang Albania đàn áp dã man cuộc nổi dậy Toplica ở miền nam Serbia, đi kèm với việc trả đũa lên những người tham gia, dân thường và giáo sĩ. Ví dụ, trong thời gian Kosovo và Metohija bị chiếm đóng 1915-1918, 22 giáo sĩ Chính thống giáo Serbia bị giết.[118]

Thường dân Serbia bị quân Áo-Hung treo cổ

Các đơn vị quân cảnh Áo-Hung (tiếng Đức: Schutzkorps) được thành lập từ năm 1908 trên lãnh thổ Bosnia và Hercegovina. Trong Thế chiến thứ nhất, Schutzkorps này hoạt động như một đội dân quân không thường xuyên trong các vùng lãnh thổ Serbia bị chiếm đóng. Quân số được bổ sung chủ yếu từ người Slav Hồi giáo ở Bosnia và Herzegovina và phạm nhiều tội ác chiến tranh.[119] Cuối năm 1915, Áo lập trại tập trung ở Doboje để nhốt người Serbia ở Bosnia và Herzegovina cũng như tù binh Serbia.[120][121]

Các vùng Serbia và Montenegro bị chiếm liên tục diễn ra đấu tranh nổi dậy. Khi quân đồng minh tấn công, người Serb tích cực tham gia đánh đuổi kẻ thù ra khỏi lãnh thổ Serbia.

Albania bị chiếm đóng năm 1914 - 1920. Quân Serbia, Montenegro, Hy Lạp, Ý, Pháp và Áo-Hung là gánh nặng cho dân Albania khi phải cung ứng quân lương. Vị trí tiền tuyến đã cắt hết đường vận chuyển gây khó khăn khi cung ứng cho các thành phố. Ngay cả trước khi thành lập mặt trận ở Albania, tình hình đã rất nguy cấp. Ví dụ, năm 1915, tại vùng Montenegro bị chiếm đóng xảy ra đói kém.

Dân thành thị tăng lên đáng kể do dòng người tị nạn chạy trốn khỏi vùng chiến sự giữa Ý và Áo-Hung. Kéo theo giá cả tăng vọt, ngoại tệ tràn lan cả nước. Dân cư trong khu vực Áo chiếm đóng rất khổ sở. Ngoài việc trưng dụng gia súc và nông sản, Áo còn huy động thường dân vào quân Áo-Hung. Tất cả những điều này làm người Albania thêm bất mãn và thường dẫn đụng độ giữa quân đội Áo và thường dân. Trong Thế chiến thứ nhất, hàng chục nghìn người Albania bị giết, chết vì đói hoặc dịch bệnh.[122]

Binh lính đào ngũ và nổi dậy

Khi Áo tăng cường chiến sự ở Balkan đã ghi nhận nhiều trường hợp đào ngũ. Trong chiến dịch năm 1914, 35.000 binh sĩ người Slav: Serb, Croatia, Séc, Slovenia, Slovak và các dân tộc khác đào ngũ khỏi quân Áo-Hung. Khá nhiều binh sĩ này chạy sang phía bên Serbia và sau đó chiến đấu chống lại phe Hiệp ước.[123] Quân Serbia cũng chịu vấn nạn tương tự. Người Macedonia sống tại nơi bị Serbia chiếm đóng năm 1913, coi chiến tranh là chuyện của người Serb. Người Bulgaria ở Macedonia chiếm ưu thế, có thể thấy rõ qua tài liệu của các lãnh sự Nga tại Macedonia.[124] Người Macedonia tự coi mình là người Bulgaria và không muốn đồng hóa với Serbia. Ngay trong năm 1913, hai cuộc nổi dậy chống người Serb đã được dấy lên tại Tikve vào ngày 15 tháng 6 và Ohrid-Debr vào ngày 9 tháng 9. Cả hai cuộc nổi dậy đều bị quân đội Serbia đàn áp dã man làm nhiều người bị thương. Tổ chức cách mạng Macedonian-Odrin chuyển sang hoạt động khủng bố và đấu tranh đảng phái chống lại chính quyền Macedonia của Serbia.[125] Người Macedonia đã trốn lính, đào ngũ hoặc đầu hàng. Do đó, bộ chỉ huy Serbia cố gắng chuyển người Macedonia về công tác hậu phương.[126][lower-alpha 25]

Năm 1916, sau khi mặt trận Thessaloniki hình thành, nhiều binh lính Bulgaria và Nga đã liên lạc với nhau.[127] Năm 1917, trong hàng ngũ quân viễn chinh Pháp diễn ra tình trạng hỗn loạn của hàng loạt binh lính. Bị ảnh hưởng bởi cuộc bạo loạn của binh lính tại Pháp, quân Pháp ở Balkan cũng đòi hòa bình và chấm dứt chiến tranh. Chỉ huy trưởng là tướng Sarrail phản ứng lại gay gắt trước các yêu cầu này và tiến hành đàn áp.[128]

Quân Hy Lạp thường xuyên đào ngũ. Binh lính xuất xứ từ Athens, Larissa, Lamia, Patras không có tinh thần yêu nước và không muốn chiến đấu. Tháng 1 năm 1918, các đội quân từ Lamia và Larissa nổi dậy nhưng sau khi vua Alexanderos đến thăm, tình hình trở lại bình thường.[129]

Cuộc nổi dậy lớn nhất của binh lính nổ ra ở Balkan vào cuối chiến tranh. Mệt mỏi vì chiến tranh kéo dài, lính Bulgraria nổi dậy yêu cầu phải đình chiến sớm. Đến ngày 28 tháng 9 năm 1918, đã có tới 30.000 lính tham gia nổi dậy. Một phần lan tới thủ đô Sofia gây ra hoảng loạn. Sư đoàn 217 của Đức kéo đến tiếp trợ cho đồng minh Bulgaria và ngăn chặn được quân nổi dậy. Nhưng điều này không giúp được gì cho Bulgaria, vì cùng ngày hôm ấy, chiến tranh ở Balkan kết thúc.[130]

Tổn thất

Serbia chịu tổn thất lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ nhất ở Balkan. Số lượng nạn nhân chiến tranh là người Serbia chưa được xác định theo mỗi nguồn đưa ra các con số khác nhau. Theo nhà nhân khẩu học Liên Xô Boris Tsezarevich Urlanis, quân đội Serbia mất 165.000 người thiệt mạng, mất tích và tử thương.[lower-alpha 26] Tổng thiệt hại của Serbia lên tới 340.000 người chết.[lower-alpha 27] Theo Bộ Chiến tranh Anh (1922), 45.000 lính Serbia chết trên chiến trường, 82.535 binh sĩ và sĩ quan mất tích.[131] Nhà nghiên cứu người Mỹ Ayres trích dẫn con số 120.000 lính Serb chết trận. Theo tài liệu của chính phủ Nam Tư xuất bản năm 1924, 365.164 binh lính và sĩ quan Serbia thiệt mạng trong chiến tranh, nhưng bị nghi ngờ vì con số phóng đại so với thực tế.[132] Cũng có bằng chứng về những tổn thất lớn hơn ở Serbia. Do chiến tranh, nạn đói và bệnh tật, khoảng 735.000 dân Serbia bị chết, tức là hơn 15% tổng dân số cả nước.[133] Sau chiến tranh còn 164.000 người tàn phế và nhiều trẻ em mồ côi.[132]

Theo Urlanis, Montenegro tổn thất 15.000 người chết, bị thương và bị bắt. Trên lãnh thổ Montenegro, khoảng 10.000 thường dân đã thiệt mạng. Số thương vong binh lính và thường dân ở Montenegro là 35.000 người. Theo ước tính của Michael Claudfelter, 3.000 quân Montenegro thiệt mạng trong các trận chiến và 7.000 người mất tích.[134] Chính phủ Nam Tư năm 1924 thông báo rằng quân đội Montenegro có 13.325 người thiệt mạng, mất tích, chết do bị thương, trong đó có 2.000 người chết trong điều kiện tù binh.

Lực lượng Viễn chinh Anh mất khoảng 5.000 người ở Balkans.[135] Theo nhà quan sát quân sự người Ý Villari, Pháp bỏ mạng khoảng 20.000 quân trên mặt trận Balkan.[136] Ý tại Balkan mất hơn 18.000 quân bị chết, bị thương, bị bắt và mất tích, trong đó có 2.841 người bị giết khi tham gia chiến đấu.[137] Quân Hy Lạp mất từ 9.000 đến 11.000 người thiệt mạng, mất tích và chết do bị thương. Urlanis cho rằng, tổng thiệt hại của quân Hy Lạp lên tới khoảng 26.000 người thiệt mạng và mất tích.[lower-alpha 28] Ngoài ra, còn khoảng 5.000 thường dân Hy Lạp thiệt mạng do chiến tranh diễn ra trong lãnh thổ nước này.[135][138]

Bulgaria có 62.000 người thiệt mạng, mất tích và chết vì bị thương. Tổng thiệt hại của quân đội Bulgaria lên tới 87.500 người. Nguồn khác đưa ra con số 101.224 binh sĩ và sĩ quan Bulgaria chết trận. 48.917 người chết trong chiến đấu, 13.198 người chết vì bị thương, 888 người chết vì tai nạn, 24.497 người chết vì bệnh tật, 8.000 lính Bulgaria chết trong điều kiện tù binh. So với trước chiến tranh, tỷ lệ dân thường tử vong tăng lên do thiếu lương thực, còn khoảng 5.000 thường dân chết vì chiến sự.[139]

Theo Österreich-Ungarns letzter Krieg (Cuộc chiến cuối cùng của Áo-Hung) xuất bản tại Viên năm 1930, quân Áo-Hung trên mặt trận Balkan có 28.276 người thiệt mạng, 122.122 người bị thương, 76.690 người bị bắt làm tù binh và mất tích và 46.716 bệnh binh trong giai đoạn từ tháng 8 năm 1914 đến tháng 2 năm 1915.[140]

Theo nhà báo Nga Vadim Viktorovich Erlikhman, khoảng 80.000 binh sĩ trong quân đội Áo-Hung là người Croatia, Slovenia và Bosnia đã thiệt mạng trong các trận chiến, mất tích và chết vì bị thương. Khoảng 30.000 người Nam Slav chết trong các nhà tù và trại tập trung của Áo-Hung.[141] Tổng cộng có khoảng 996.000 người đã chết trên tất cả các phần lãnh thổ hình thành nên Vương quốc của người Serb, người Croatia và người Slovenia vào năm 1918 (bao gồm Slovenia, Croatia và Slavonia, Bosna và Hercegovina, Vojvodina, SerbiaMacedonia, Montenegro).[141]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mặt trận Balkan (Thế chiến thứ nhất) http://www.everyculture.com/multi/Pa-Sp/Serbian-Am... http://amac.hrvati-amac.com/index.php?option=com_c... http://www.imdb.com/title/tt0172776/ http://www.imdb.com/title/tt0200782/ http://www.imdb.com/title/tt0906083/ http://www.imdb.com/title/tt0933016/ http://www.imdb.com/title/tt1272006/ http://www.kroraina.com/knigi/zbf_ww1/zbf_6a.html http://necrometrics.com/20c5m.htm#WW1 http://hrcak.srce.hr/index.php?show=clanak&id_clan...